Đã bước sang ngày 15/11/2015 rồi mà hội nghị 13 của Đảng cộng sản chưa tổ chức được?! Ông Nguyễn Phú Trọng có lẽ còn đang bận lo câu chuyện “một vành đai, một con đường” mà ông tâm đắc chia sẻ với ngài Tập Cận Bình hôm ông Bình sang thăm Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng còn đang bận lo câu chuyện “một vành đai, một con đường” mà ông tâm đắc chia sẻ với ngài Tập Cận Bình. |
Một loạt những ý tưởng, những kế hoạch mới mẻ của ông Tập Cận Bình như:
– Hình thành con đường tơ lụa trên biển (MSR)
– Thành lập khu vực thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP).
– Thiết lập ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB)
Tất cả ngần ấy sẽ đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm địa chính trị kinh tế toàn cầu. Đó là giấc mơ Trung Hoa, không có chút nào đắn đo, ông Tập Cận Bình lao vào giấc mơ như lãnh tụ hồi giáo lao vào Thánh chiến.
Ông Tập Cận Bình là con người rất khiêm nhường, đưa ra chương trình trị giá ban đầu hơn 21 ngàn tỷ dola Mỹ, con đường tơ lụa trên biển lôi kéo các nước từ biển Đông qua eo Malacca sang Ấn Độ Dương Châu Phi, Địa trung hải vậy mà ông không gọi đó là chủ nghĩa “Cận Bình”, chỉ gọi là “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc”; hôm sang Việt Nam để huấn thị quốc hội ông còn gợi ý cho TBT Nguyễn Phú Trọng về cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội màu sắc Việt Nam” nữa! Ngặt một nỗi ông Trọng chỉ học tư bản luận của Marx, Lenin toàn tập của Lenin chứ có học chủ nghĩa “Cận Bình” đâu? Vậy cho nên ông Trọng đề nghị giữ nguyên hiện trạng, nghĩa là giữ nguyên đường lưỡi bò, giữ nguyên tám đảo Trường Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đoạt kể cả toàn bộ Hoàng Sa.
Dân Việt Nam thiếu điều muốn bất tỉnh với bức công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, nay nghe ông Trọng nói như vậy tất cả như muốn chết luôn cho đỡ đau lòng. Nếu có ai còn hoài nghi sự thật này hãy đọc bài: “Nguyễn Phú Trọng thừa nhận đảo Hoàng sa và một phần đảo Trường sa là của TQ”, của Nguyễn Thanh Giang.
Từ xưa, con đường “tơ lụa” trên đất liền từ Trung Quốc sang Âu Châu góp phần to lớn cho nền thương mại hai Châu lục Á-Âu, nó phát triển từng bước bắt nguồn từ nhu cầu có thực của dân chúng và đặc biệt là con đường ấy đi qua bất cứ quốc gia nào từ Á sang Âu đều khế hợp và chịu sự bảo vệ của quốc gia ấy. Nhất định không phải do người Trung Quốc thiết lập, càng không phải do nhà nước Trung Quốc quản lý. Nhưng nó đem đến cho Trung Quốc sự phồn vinh.
Nếu ông Tập Cận Bình muốn có con đường “tơ lụa” trên biển thì đâu nhất thiết phải có đường lưỡi bò, đâu nhất thiết phải có quần đảo Trường Sa của nước ta, phải chiếm lấy biển Đông cùng các đảo là do chủ nghĩa “Đại Hán” nhất thiết phải như vậy. Tương lai của CNXH theo mộng ước là thế giới “Đại Đồng”, “màu sắc Trung Quốc” thì “Đại Đồng” móc xì gì? “Bá láp” như vậy mà cũng nghe được thì ngộ thiệt!
Các nhà phân tích cho rằng, Con đường tơ lụa trên biển gần đây được phía Trung Quốc trình bày là một chiêu bài nhằm hợp thức hóa chủ quyền đường lưỡi bò của Bắc Kinh. |
Nếu những ý tưởng và việc làm của ông ta mà gọi là “đại cục” thì chỉ là đại cục của ông hay nhiều lắm là đại cục của Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam hay Phi Luật Tân hay Campuchia… muốn bành trướng, muốn cướp nước của láng giềng thì làm như nghị Lại trong “Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan” chứ việc gì phải mượn CNXH, gắn CNXH vào “chủ nghĩa Đại Hán” khiến CNXH phải lòng thòng phía dưới khó coi quá! Cả đời học hành để được cấp bằng tiến sỉ Mac-Le, để bị Tập Cận Bình gắn lòng thòng, theo tôi, tôi nhất định từ chối, vậy mà có ba vị tiến sĩ ở cái viện vớ vẩn nào đó lại thích! Nghe đâu còn làm đơn thưa tới trung ương nữa. Tôi không hiểu nỗi, nhưng chắc là lòng thòng ở Đại Hán sung sướng lắm, thôi thì mỗi người mỗi ý.
Hôm 10/11 Quốc hội hợp cả ngày để bàn về “nông lâm trường quốc doanh” qua đó cho thấy các nông lâm trường quốc doanh giữ 8 triệu ha đất nông lâm. Lạ một điều số đất ấy chưa được đo đạc cắm móc để quản lý, đất chồng lên đất dân địa phương gây tranh chấp, khiếu kiện và bất ổn nhân tâm, cơ chế không rõ ràng nên các nhóm lợi ích mặc tình xâu xé biến công thành tư, trục lợi muôn ngàn kiểu cách….8 triệu ha mà thống kê cho thấy trong 10 năm tạo ra 1722 tỷ lợi nhuận, nếu bổ đồng thì được 80.000đ/ha/năm. Để hiểu việc này có ý nghĩa gì thì thử liên hệ: một ha đất có thể nuôi sống 10 miệng ăn cho một hộ nông dân nghèo, tám triệu ha thì nuôi được 80 triệu miệng ăn, nước ta có 90 triệu dân, vậy số đất ấy có thể nuôi cả nước ít ra là 9 năm không phải làm gì thêm! Thế mà chỉ thu được 80.000đ, bằng hai tô phở. Mười miệng ăn, một năm chỉ có hai tô phở thì sống làm sao?
Hơn 400 đại biểu quốc hội bàn thảo về nguyên nhân, về biện pháp khắc phục hết sức tận tâm tận lực. Nhưng chẳng ai chỉ ra rằng chính nguồn cơn là do quan điểm: nhà nước sở hữu công cụ sản xuất, tức CNXH, cứ gom vô không cần đo đạc cắm mốc làm gì cho mệt, đằng nào cũng của toàn dân! Đấy! CNXH đấy. Không dám đối diện với thực tế, không dám chỉ đúng nguyên nhân, muôn đời cũng không sữa chữa được. Nó như vậy thì nói như vậy chứ có ác tâm, ác ý gì đâu nà không dám nói. Sợ quá! Hèn hạ quá!
Nhà nước kiến tạo mà mấy năm qua ông thủ tướng Dũng thường nói đến có lẽ bắt nguồn từ chủ nghĩa kiến tạo (constructivism). Phải cho lý thuyết cọ sát với thực tiễn để đánh giá rồi hãy kết luận, kết luận được mới thực hiện được và quá trình thực hiện phải trên nền diễn biến hòa bình, nôm na chủ nghĩa kiến tạo hình dáng như thế. Cái đại cục mà ông Tập Cận Bình tưởng tượng chưa cọ sát với thực tế, điển hình là bị phản đối ở Biển Đông, mới bắt đầu thì đã sai! Kết quả chắc chắn là sai vạn dặm.
CNXH, chủ nghĩa kiến tạo, chủ nghĩa Đại Hán tất cả áng chừng sương khói Atula, trong khi chờ đợi màng sương khói ấy cô đặc thành vật chất cụ thể thì phải hành động vì ngọn rau tấc đất, vì bờ cõi cha ông đã khó nhọc gây dựng, bằng cả trí tuệ thời đại cùng kinh nghiệm tiền nhân. Dẹp một bên cái CNXH đang gây khổ đau, gây nguy cơ mất nước, hãy hợp sức cùng các ủy viên trung ương trong đại hội 12 đẩy lùi thế lực bán nước, dành thế chủ động dân tộc. Hiện đang có nguy cơ không tổ chức được đại hội 12 khi mà cái “đại cục “của Tập Cận Bình chưa chắc nắm phần thắng. Lợi dụng vị thế trì hoãn để chờ thời cơ là kế sách bán nước thâm độc. Hào kiệt dân tộc trong và ngoài nước nên bỏ qua tị hiềm nhỏ nhen. Chúng ta nhất định làm nên một Việt Nam hùng mạnh. Nếu có kẻ nào hủ hóa, tham ô thì cũng còn có lúc uốn nắn được chứ mất nước thì sao?!
Tôi mạo muội có đề nghị nhỏ thế nầy, nếu ông Nguyễn Phú Trọng vì bận đại sự không tổ chức được đại hội 12 thì chính phủ nên cấp kinh phí cho bộ phận ông Trọng sang bắc Kinh giúp ông Bình xây dựng “một con đường một vành đai”, dẫu gì thì cũng là láng giềng tương lân, đồng chí tương cầu. Nhà nước được điều hành bởi chủ tịch nước và thủ tướng là đủ. Các nước hùng mạnh trên thế giới điều hành nhà nước đâu cần nghị quyết hay chỉ thị của đảng phái nào, tại sao ta không như vậy được.
Phải chặn đứng cơn gió bấc, thức dậy đi! Lo che chắn phênh vách để cha già, mẹ yếu, em thơ đỡ lạnh lùng, áo mão xênh xang làm gì? Bỏ mặt dân lành, mồ mả cha ông cho ngoại bang giầy xéo, nỡ lòng sao?
16-11-2015
Nguyễn Văn Do
Nguồn: Ba Sàm
Blogger Comment